Áp dụng theo Điều 62, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 (“Luật quản lý thuế 2019”), cụ thể:
“1. Việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 27 Điều 3 của Luật này;
…
2. Người nộp thuế thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế quy định tại khoản 1 Điều này được gia hạn nộp thuế một phần hoặc toàn bộ tiền thuế phải nộp.
3. Thời gian gia hạn nộp thuế được quy định như sau:
a) Không quá 02 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
…
4. Người nộp thuế không bị phạt và không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền nợ thuế trong thời gian gia hạn nộp thuế.
5. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp căn cứ hồ sơ gia hạn nộp thuế để quyết định số tiền thuế được gia hạn, thời gian gia hạn nộp thuế.”
Hồ sơ gia hạn nộp thuế được quy định tại Điều 64, Luật quản lý thuế 2019, cụ thể:
“1. Người nộp thuế thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế theo quy định của Luật này phải lập và gửi hồ sơ gia hạn nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp.
2. Hồ sơ gia hạn nộp thuế bao gồm:
a) Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế, trong đó nêu rõ lý do, số tiền thuế, thời hạn nộp;
b) Tài liệu chứng minh lý do gia hạn nộp thuế.
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết hồ sơ gia hạn nộp thuế.”
Áp dụng theo khoản 8, Điều 59, Luật quản lý thuế 2019, cụ thể:
Người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo quy định tại khoản 1 Điều này được miễn tiền chậm nộp trong trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 27 Điều 3 của Luật này.
Áp dụng theo khoản 1, Điều 140, Luật quản lý thuế 2019, cụ thể:
“1. Người nộp thuế bị phạt tiền do vi phạm hành chính về quản lý thuế mà bị thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 27 Điều 3 của Luật này thì được miễn tiền phạt. Tổng số tiền miễn phạt tối đa không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại.”
Chi tiết hướng dẫn tại Điều 43, Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 6, Điều 1, Nghị định 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021.
Áp dụng khoản 1, Điều 14, Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, cụ thể:
“1. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất.
Các trường hợp tổn thất không được bồi thường được khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm: thiên tai, hoả hoạn, các trường hợp tổn thất không được bảo hiểm bồi thường, hàng hóa mất phẩm chất, quá hạn sử dụng phải tiêu hủy. Cơ sở kinh doanh phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh các trường hợp tổn thất không được bồi thường để khấu trừ thuế.”
Căn cứ Điều 9, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành:
Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi sau nếu đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 Điều 9 Luật thuế TNDN:
- Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường (điểm a Khoản 2 Điều 9 Luật thuế TNDN). Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ (-) phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai (điểm n Khoản 2 Điều 9 Luật thuế TNDN).
- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau (điểm 2.30 khoản 2 Điều 6 Thông tư 96/2015/TT-BTC). Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Lưu ý, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với các khoản chi theo các điều kiện trên và các khoản chi này phải đáp ứng các điều kiện:
+ Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
+ Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật.
Áp dụng Điều 9, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 27/2008/QH12 ngày 14/11/2008, cụ thể:
“Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế.
Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).”
Hồ sơ đề nghị giảm thuế TTĐB quy định tại Điều 55 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021.
Áp dụng Khoản 1, Điều 9, Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12, cụ thể:
“1. Người nộp thuế tài nguyên gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai, nộp thuế thì được xét miễn, giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.”
Thủ tục hồ sơ miễn thuế, giảm thuế đối với thuế tài nguyên do thiên tai được hướng dẫn tại Điều 56, Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính.
Theo khoản 4, Điều 10, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp số 48/2010/QH12 quy định:
"Giảm 50% số thuế phải nộp cho các trường hợp sau đây:
...4. Người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất từ 20% đến 50% giá tính thuế.”
Thủ tục hồ sơ miễn thuế, giảm thuế đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hướng dẫn tại Điều 57, Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính.