Thuế xuất khẩu và nhập khẩu (“XNK”) là loại thuế gián thu đánh vào những loại hàng hóa được phép xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới Việt Nam bao gồm cả trường hợp xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan và nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước. Theo đó, đối tượng chịu thuế là hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam. Người kê khai và nộp thuế là chủ hàng, tổ chức nhận ủy thác… (xem thêm chi tiết tại Điều 2 và 3, Luật 107/2016/QH13).
Các quy định liên quan đến thuế XNK trình bày các nội dung sau:
I. Căn cứ tính thuế (bao gồm thuế suất), thời điểm tính thuế và thời hạn nộp thuế
II. Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ
III. Miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế
Để giúp người đọc dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu và nắm bắt các nội dung trên, chúng tôi đã phân tích một vài trường hợp và hệ thống hóa lại các nội dung trên như dưới đây.
Để xem toàn bộ các văn bản liên quan vui lòng xem tại đây (các quy định liên quan đến thuế)
I. Căn cứ tính thuế (bao gồm thuế suất), thời điểm tính thuế và thời hạn nộp thuế
Căn cứ tính thuế
Có 3 phương pháp để xác định căn cứ tính thuế của hàng xuất, nhập khẩu cụ thể là phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm, phương pháp tính thuế tuyệt đối và phương pháp tính thuế hỗn hợp.
Phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm
Thuế XNK phải nộp |
= |
Trị giá tính thuế |
x |
Thuế suất theo tỷ lệ % |
Trong đó:
- Trị giá tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là trị giá hải quan theo quy định của luật hải quan.
- Thuế suất theo tỷ lệ % của từng mặt hàng sẽ có thể thay đổi tại từng thời điểm tính thuế (tham khảo tại phụ lục I & II đính kèm nghị định 26/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/07/2023).
Phương pháp tính thuế tuyệt đối
Thuế XNK phải nộp |
= |
Lượng hàng hóa thực tế xuất, nhập khẩu |
x |
Mức thuế tuyệt đối |
Trong đó: mức thuế tuyệt đối có thể thay đổi tại từng thời điểm tính thuế ( tham khảo tại phụ lục I & II đính kèm nghị định 26/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/07/2023).
Phương pháp tính thuế hỗn hợp: được xác định là tổng số tiền thuế theo tỷ lệ phần trăm và số tiền thuế tuyệt đối.
- Thời điểm tính thuế: là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. (xem thêm chi tiết tại Điều 8, Luật 107/2016/QH13).
- Thời điểm nộp thuế: trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa theo quy định của luật hải quan (xem thêm chi tiết tại Điều 9, Luật 107/2016/QH13).
II. Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ
- Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
- Thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
- Thuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
(xem thêm chi tiết tại Điều 12, 13, 14, 15, Luật 107/2016/QH13)
III. Miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế
Miễn thuế được áp dụng trong một số trường hợp sau:
- Tài sản di chuyển; đối với quà biếu, quà tặng;
- Hàng hóa nhập khẩu/xuất khẩu để gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu/nhập khẩu;
- Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu;
- Hàng hóa tạm nhập, tái xuất, hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định;
- Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư;
- Hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan;
- Nguyên liệu, vật liệu, linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế;
- Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm;
- hàng hóa nhập khẩu không nhầm mục đích thương mại
- …..
(Xem thêm chi tiết từ Điều 5 đến Điều 29, Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 nghị định 18/2021/NĐ-CP).
Giảm thuế: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang trong quá trình giám sát của cơ quan hải quan theo quy định tại Luật hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành, nếu bị hư hỏng, mất mát do nguyên nhân khách quan được giảm thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. (xem thêm chi tiết tại Điều 32, Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Điều 1, Nghị định 18/2021/NĐ-CP).
Hoàn thuế: áp dụng cho một số trường hợp sau:
- Hàng hóa đã xuất khẩu phải tái nhập;
- Hàng hóa đã nhập khẩu phải tái xuất;
- Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất;
- Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm;
- Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu, xuất khẩu nhưng không có hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu hoặc nhập khẩu, xuất khẩu ít hơn so với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu đã nộp thuế; không hoàn thuế đối với trường hợp có số tiền thuế tối thiểu.
(Xem thêm chi tiết từ Điều 33 đến 37, Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Điều 1 và Điều 2 Nghị định 18/2021/NĐ-CP).
IV. Kê khai:
Khi phát sinh nghiệp vụ xuất, nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ tiến hành kê khai tại thời điểm chuẩn bị thông quan hoặc giải phóng hàng theo hướng dẫn của luật hải quan và hệ thống VNACCS.
V. Các câu hỏi thường gặp
Liên quan đến các quy định về thuế xuất nhập khẩu, doanh nghiệp thường đặt các câu hỏi liên quan đến thủ tục hải quan khi xuất khẩu, nhập khẩu đối với loại hàng hóa mà doanh nghiệp đang thực hiện/ muốn kinh doanh. Do đó, người đọc có thể tham khảo Danh mục câu hỏi tại một số trang web chính sau: