So sánh giữa quy định của Việt Nam và Quốc tế
Nghị định 05 có nội dung rất tương đồng với 3 cấu phần của Khung thực hành chuyên môn Kiểm toán nội bộ Quốc tế (International Professional Practices Framework “IPPF”) ban hành bởi Hiệp hội Kiểm toán nội bộ (The Institute of Internal Auditors “IIA”), đó là (1) Nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, (2) các nguyên tắc cốt lõi về thực hành chuyên môn kiểm toán nội bộ, (3) Chuẩn mực thuộc tính (Attribute Standards). Ngoài 3 cấu phần trên thì IPPF còn có các cấu phần khác đó là: (4) Định nghĩa Kiểm toán nội bộ; (5) Chuẩn mực Hoạt động (Implementation Standards); (6) Các hướng dẫn cụ thể cho các cấu phần trên (gồm Hướng dẫn thực hiện - Implementation Guidance và Hướng dẫn bổ sung - Supplemental Guidance).
Định nghĩa về “Kiểm toán nội bộ”: Nghị định 05 chưa đề cập tới định nghĩa này, mà thay vào đó là khái niệm về “Mục tiêu của kiểm toán nội bộ”. Định nghĩa này là một trong những cấu phần không thể thiếu trong Khung Thực hành Chuyên môn Kiểm toán nội bộ Quốc tế (IPPF”), nó giúp định hướng cho sự phát triển của các chuẩn mực hướng dẫn chi tiết khác. Tất cả các chuẩn mực và thông lệ liên quan đều cần phải phải phù hợp và hướng về định nghĩa này.
Cấp lãnh đạo phê duyệt các nội dung chuyên môn của kiểm toán nội bộ (the Board): Nghị định 05 có liệt kê ra các cấp lãnh đạo trong tổ chức có thẩm quyền phê duyệt, tuy nhiên chưa có định nghĩa chung cho khái niệm này. Theo chuẩn mực quốc tế, cấp phê duyệt các nội dung chuyên môn của kiểm toán nội bộ phải là cấp lãnh đạo cao nhất của tổ chức và phải bao gồm các thành viên không tham gia vào công việc quản trị và điều hành tổ chức (the Board) để có thể giúp bảo đảm hoạt động kiểm toán nội bộ phải thực sự độc lập trong tổ chức. Nghị định 05 chỉ đề cập tới “Hội đồng quản trị” của doanh nghiệp niêm yết, tuy nhiên, vẫn có những mô hình quản trị trong đó “Hội đồng quản trị” không bao gồm các thành viên độc lập và thành viên không điều hành. Theo đó, nếu trong trường hợp này thì “Hội đồng quản trị” không còn bảo đảm tính độc lập nữa, mà phải là “Ban Kiểm soát” của “Đại hội đồng cổ đông” thì mới phù hợp.
Tính độc lập và tính khách quan (Independence and Objectivity): Nghị định 05 có vẻ như đang định nghĩa thiên về cá nhân, còn trong IPPF thì định nghĩa và phân biệt rõ ràng là tính độc lập là về mặt tổ chức của bộ phận kiểm toán nội bộ (Organizational Independence) và Tính khách quan là về mặt cá nhân của người làm công tác kiểm toán nội bộ (Individual Objectivity). IPPF cũng nói rõ là nhiều người thường nhầm lẫn hai khái niệm này trong khi ý nghĩa của nó có sự khác nhau rất rõ ràng, vì vậy họ có tài liệu hướng dẫn riêng và rất cụ thể về vấn đề này (xem Supplemental Guidance của IPPF). Đây là hai khái niệm rất quan trọng của Kiểm toán nội bộ.