Trách nhiệm và quyền hạn của người làm công tác kiểm toán nội bộ (kiểm toán viên) và người phụ trách bộ phận kiểm toán nội bộ (Trưởng bộ phận) sẽ được quy định cụ thể trong quy chế kiểm toán nội bộ của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nghị định 05/2019/NĐ-CP có mô tả các nội dung này ở Điều 23 và 24, các bạn có thể tham khảo thêm.
Điều kiện cần và đủ để trở thành kiểm toán viên nội bộ?
Điều 11 của Nghị Định 05/2019/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 11. Tiêu chuẩn của người làm công tác kiểm toán nội bộ
- Có bằng đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu kiểm toán, có kiến thức đầy đủ và luôn được cập nhật về các lĩnh vực được giao thực hiện kiểm toán nội bộ.
- Đã có thời gian từ 05 năm trở lên làm việc theo chuyên ngành đào tạo hoặc từ 03 năm trở lên làm việc tại đơn vị đang công tác hoặc từ 03 năm trở lên làm kiểm toán, kế toán hoặc thanh tra.
- Có kiến thức, hiểu biết chung về pháp luật và hoạt động của đơn vị; có khả năng thu thập, phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin; có kiến thức, kỹ năng về kiểm toán nội bộ.
- Chưa bị kỷ luật ở mức cảnh cáo trở lên do sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính, kế toán hoặc không đang trong thời gian bị thi hành án kỷ luật.
- Các tiêu chuẩn khác do đơn vị quy định.”
Tuy nhiên, ngoài những tiêu chuẩn như trên, các bạn cần có những phẩm chất phù hợp sau:
- Có ý thức cao về tính tuân thủ, tính độc lập và khách quan, đây là những phẩm chất cốt lõi cần phải có của công việc này.
- Có tính cách phù hợp với công việc đòi hỏi sự tương tác hiệu quả với nhiều người và ở nhiều loại tình huống khác nhau.
- tham gia học chứng chỉ đào tạo chuyên nghiệp về kiểm toán nội bộ để giúp hình thành những tư duy và phương pháp đúng về kiểm toán nội bộ.