Đối tượng doanh nghiệp nào bắt buộc (theo luật) phải triển khai hoạt động kiểm toán nội bộ?
Theo điều 10 của Nghị định 05/2019/NĐ-CP, các đơn vị sau đây phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ:a) Công ty niêm yết;
b) Doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con;
c) Doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Các doanh nghiệp không thuộc các đối tượng trên được khuyến khích thực hiện công tác kiểm toán nội bộ.
Nếu vi phạm thì chế tài xử phạt như thế nào?
Hiện nay, Nghị định 05/2019/NĐ-CP chưa có điều khoản cụ thể nào về vấn đề này. Tuy nhiên, đối với một số ngành đặc thù như ngân hàng, tổ chức tín dụng, bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán, thì chế tài xử lý vi phạm như sau:
Đối với ngân hàng, tổ chức tín dụng, căn cứ Điều 8, Nghị định 88/2019/NĐ-CP hiệu lực từ ngày 31/12/2019:
“3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kiểm toán nội bộ không thực hiện những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật;…
4. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không thành lập kiểm toán nội bộ chuyên trách thuộc Ban kiểm soát.”
-
Khoản 2, Điều 23:
“2. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
…
đ) Không thiết lập, duy trì hệ thống kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro; không giám sát, ngăn ngừa xung đột lợi ích giữa các khách hàng hoặc giữa công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam, người hành nghề chứng khoán và khách hàng;” - Khoản 2, Điều 26:
Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:
“a) Không thiết lập hệ thống quản trị rủi ro, không thành lập bộ phận kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ; không đảm bảo cơ cấu nhân sự tại bộ phận kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ hoặc không đảm bảo cơ cấu nhân sự đáp ứng điều kiện; không giám sát, ngăn ngừa xung đột lợi ích giữa các khách hàng hoặc giữa công ty quản lý quỹ, người hành nghề chứng khoán và khách hàng;” - Điều 35a:
“c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không ban hành và tuân thủ quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền; không thực hiện kiểm toán nội bộ về phòng chống rửa tiền;”
Đối tượng doanh nghiệp nào không bị bắt buộc nhưng được khuyến nghị nên triển khai?
Doanh nghiệp có những dấu hiệu sau nên cân nhắc thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ nếu thấy lợi ích tổng thể đem lại nhiều hơn chi phí bỏ ra:
- Doanh nghiệp có cấu trúc quản trị nhiều tầng.
- Doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề/ lĩnh vực.
- Doanh nghiệp đang ngày càng mở rộng quy mô về nhiều mặt.
- Bản thân cấp lãnh đạo và điều hành cao nhất của doanh nghiệp bắt đầu nhận thấy công việc của mình trở nên quá tải, việc nắm bắt và chỉ đạo tình hình công ty trở nên khó khăn hơn so với thời gian trước kia, dấu hiệu rủi ro bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.
- Doanh nghiệp muốn các bên có lợi ích liên quan đánh giá cao và tin tưởng rằng doanh nghiệp đang thực hiện các thông lệ quản trị phù hợp nhất có thể liên quan đến quản trị rủi ro hiệu quả và cải thiện hiệu suất kinh doanh.
Khi mới bắt đầu triển khai hoạt động kiểm toán nội bộ, doanh nghiệp cần bắt đầu từ đâu và cần lưu ý những gì?
Hoạt động Kiểm toán nội bộ là một quá trình và cần thời gian để điều chỉnh dần các yếu tố về nhận thức, văn hóa quản trị, quy trình, chính sách, con người.
Thời gian đầu, doanh nghiệp nên tập trung vào những định hướng sau đây:
- Ban hành Quy chế (Điều lệ) Kiểm toán nội bộ: Đây là tài liệu quan trọng nhất làm cơ sở cho hoạt động kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp, nó quy định các nội dung cốt lõi như: định nghĩa, quyền, và trách nhiệm của hoạt động kiểm toán nội bộ, các nguyên tắc cốt lõi,... Tài liệu này cần tuân thủ theo các hướng dẫn của Nghị định 05, và thông tư 66/2020/TT-BTC, cũng như theo thông lệ quốc tế để bảo đảm tính phù hợp ngay từ đầu. Tài liệu này cần phải được phê duyệt bởi cấp lãnh đạo cao nhất (gồm các thành viên độc lập và không điều hành).
- Phải bảo đảm tính độc lập về mặt tổ chức của bộ phận kiểm toán nội bộ: bộ phận kiểm toán nội bộ (về mặt chuyên môn) phải trực thuộc cấp lãnh đạo cao nhất (có bao gồm các thành viên độc lập và không điều hành).
- Lựa chọn và bổ nhiệm Người phụ trách bộ phận kiểm toán nội bộ (Chief Audit Executive). Đây là vị trí quan trọng nhất chịu trách nhiệm tổng thể về hoạt động kiểm toán nội bộ, vì vậy cần lưu ý bảo đảm các phẩm chất về đạo đức và năng lực chuyên môn, cũng như bảo đảm tính độc lập và khách quan.
- Các nội dung chi tiết khác của hoạt động kiểm toán độc lập thì doanh nghiệp có thể thuê ngoài để nhận được sự hỗ trợ kịp thời và phù hợp trong thời gian đầu, sau đó sẽ dần xây dựng quy trình và đội ngũ nhân sự riêng cho mình theo thời gian.
- Về công tác tuyên truyền nội bộ: Doanh nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của hoạt động kiểm toán nội bộ để mọi người trong doanh nghiệp hiểu rõ và hợp tác để hướng đến mục tiêu cao nhất là cùng nhau giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu của mình và giảm thiểu rủi ro. Thực tế là rất nhiều người (gồm cả những người ở vị trí cấp cao) thường hiểu sai về kiểm toán nội bộ nên dẫn đến những tình trạng: (1) cấp quản lý sử dụng bộ phận kiểm toán nội bộ như là công cụ điều hành của mình thay vì là bộ phận độc lập; (2) hoặc nhân sự không hợp tác vì cho là bộ phận kiểm toán nội bộ là “cảnh sát”, chuyên đi bắt lỗi, cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp coi thường công tác tuyên truyền này sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai trên thực tế (thậm chí bị biến tướng đi), vì thay đổi nhân thức và quan điểm của con người là công việc rất khó khăn, nếu nhận thức và quan điểm không phù hợp ngay từ đầu thì công việc dù có đơn giản cũng khó có thể thực hiện được.