Báo cáo Kiểm toán Nội bộ gồm có những loại nào? gồm những nội dung gì? được gửi cho ai?
Căn cứ các quy định tại Điều 16 và Điều 17, Nghị định 05/2019/ND-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019, có các loại báo cáo của bộ phận Kiểm toán Nội bộ với các nội dung cơ bản như dưới đây:Báo cáo kiểm toán cho từng cuộc kiểm toán trong năm: gồm có những nội dung sau:
- Nội dung kiểm toán;
- Phạm vi kiểm toán;
- Những đánh giá, kết luận về nội dung đã được kiểm toán và cơ sở đưa ra các ý kiến này;
- Các yếu kém, tồn tại, các sai sót, vi phạm, kiến nghị các biện pháp sửa chữa, khắc phục sai sót và xử lý vi phạm;
- Đề xuất các biện pháp hợp lý hóa, cải tiến quy trình nghiệp vụ;
- Hoàn thiện chính sách quản lý rủi ro, cơ cấu tổ chức của đơn vị (nếu có);
- Ý kiến của ban lãnh đạo bộ phận/đơn vị được kiểm toán. Trong trường hợp bộ phận/đơn vị được kiểm toán không thống nhất với kết quả kiểm toán, báo cáo kiểm toán nội bộ cần nêu rõ ý kiến không thống nhất của bộ phận/đơn vị được kiểm toán và lý do;
- Chữ ký của Trưởng đoàn hoặc Trưởng nhóm kiểm toán hoặc người phụ trách cuộc kiểm toán.
Trường hợp đi thuê thực hiện kiểm toán nội bộ thì báo cáo kiểm toán ít nhất phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền và đóng dấu (nếu có) của đơn vị cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, báo cáo kiểm toán có thể có chữ ký của những người có liên quan khác của đơn vị cung cấp dịch vụ tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên.
Báo cáo đột xuất là báo cáo cho các cuộc kiểm toán khi có yêu cầu hoặc khi có các thông tin về dấu hiệu sai phạm, dấu hiệu rủi ro cao ở các đối tượng kiểm toán. Với nội dung trình bày như báo cáo kiểm toán cho từng cuộc kiểm toán ở trên.
Báo cáo kiểm toán hàng năm là báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch kiểm toán nội bộ của năm trước, phải nêu rõ các nội dung sau:
- Kế hoạch kiểm toán đã đề ra;
- Công việc kiểm toán đã được thực hiện;
- Tồn tại, sai phạm lớn đã được phát hiện;
- Biện pháp mà kiểm toán nội bộ đã kiến nghị;
- Đánh giá về hệ thống kiểm soát nội bộ liên quan đến hoạt động được kiểm toán và đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ;
- Tình hình thực hiện các biện pháp, kiến nghị, đề xuất của kiểm toán nội bộ;
- Chữ ký của người phụ trách kiểm toán nội bộ.
Theo Chuẩn mực quốc tế về thực hành chuyên môn Kiểm toán Nội bộ (International Standards for the Professional Practice of Internal Auditing - Standards) ban hành bởi Hiệp hội kiểm toán nội bộ IIA: tuy không phân loại các loại báo cáo như trên nhưng cũng có những quy định và hướng dẫn về trình bày kết quả làm việc của bộ phận Kiểm toán nội bộ ( được tạm dịch là “Báo cáo kết quả kiểm toán/ tư vấn”) ở các điều sau:
- 2400 - Báo cáo kết quả kiểm toán/tư vấn;
- 2410 - Các tiêu chí báo cáo;
- 2420 - Chất lượng báo cáo;
- 2421 - Sai sót và bỏ sót;
- 2430 - Việc sử dụng cụm từ "được thực hiện tuân thủ Chuẩn mực Quốc tế về Thực hành Chuyên môn Kiểm toán nội bộ";
- 2431 - Trình bày các vấn đề không tuân thủ;
- 2440 - Phát hành và gửi báo cáo;
- 2450 – Ý kiến tổng thể.
Các báo cáo kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp được gửi cho: (1) cấp trên trực tiếp (đối với doanh nghiệp niêm yết là Ban kiểm soát hoặc Hội đồng Quản trị (với các thành viên độc lập và không điều hành)), (2) cấp quản lý điều hành (Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc/ Giám đốc), (3) các đối tượng khác theo quy chế kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp (Xem thêm Điều 16, Nghị định 05/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019).