Phân biệt giữa Kiểm toán Nội bộ và Kiểm toán Độc lập như thế nào?
Kiểm toán nội bộ là một hoạt động đảm bảo và tư vấn độc lập, khách quan được thiết kế nhằm gia tăng giá trị và cải thiện các hoạt động của tổ chức. Kiểm toán nội bộ giúp cho tổ chức đạt được các mục tiêu của mình bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận có tính nguyên tắc và hệ thống nhằm đánh giá và nâng cao hiệu quả của các quy trình quản lý rủi ro, kiểm soát và quản trị. (Nguồn)Kiểm toán Độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán. (Nguồn)
Căn cứ vào các định nghĩa ở trên, kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập được phân biệt ở những điểm chính yếu như sau:
Về đối tượng chính tiếp nhận và sử dụng báo cáo kiểm toán:
Đối với kiểm toán nội bộ: là các cấp lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp, những người có nhu cầu muốn cải thiện các hoạt động của doanh nghiệp và gia tăng thêm giá trị.
Đối với kiểm toán độc lập: là những bên liên quan bên ngoài doanh nghiệp, gồm nhà đầu tư, đối tác, ngân hàng, cơ quan quản lý,…. những người có nhu cầu cần có ý kiến bảo đảm của bên thứ ba (được cấp phép hành nghề bởi cơ quan quản lý) về báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Về đối tượng bị kiểm toán:
- Đối với kiểm toán nội bộ: chủ yếu là các hoạt động quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ được triển khai trong doanh nghiệp, ngoài ra có thể bao gồm các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp nếu được các bên liên quan đồng ý.
- Đối với kiểm toán độc lập: chủ yếu là các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Về chức năng công việc:
- Đối với kiểm toán nội bộ: gồm cả hoạt động đảm bảo và hoạt động tư vấn.
- Đối với kiểm toán độc lập: chỉ bao gồm hoạt động đảm bảo thôi, kiểm toán độc lập có đưa ra các khuyến nghị cho doanh nghiệp nhưng chỉ mang tính giá trị gia tăng thêm trong quá trình thực hiện công việc kiểm toán, chứ không phải là chức năng chính.