Kiểm toán năm đầu tiên, doanh nghiệp cần lưu ý những gì?

20/12/2023

Trong phạm vi các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, kiểm toán năm đầu tiên được hiểu: Là cuộc kiểm toán trong đó:

  1. Báo cáo tài chính kỳ trước đó không được kiểm toán; hoặc
  2. Báo cáo tài chính kỳ trước đó đã được kiểm toán bởi kiểm toán viên tiền nhiệm;

Mặc dù chỉ phải đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính kỳ hiện tại nhưng kiểm toán viên cần phải thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp để đảm bảo số dư đầu kỳ đã được trình bày trung thực và hợp lý, bởi vì:

  • Một số khoản mục trên báo cáo tài chính năm hiện hành có giá trị ghi nhận phụ thuộc vào số dư của một số khoản mục khác tại thời điểm cuối kỳ trước (ví dụ: Giá vốn hàng bán của năm nay sẽ phụ thuộc vào giá trị hàng tồn kho được xác định tại cuối kỳ trước);
  • Số dư trên bảng cân đối kế toán năm hiện hành có thể là số liệu lũy kế từ những giao dịch đã phát sinh từ các năm trước (ví dụ: tài sản cố định được mua từ các năm trước).

Do đó, nếu công ty lần đầu sử dụng dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính hoặc thay đổi công ty kiểm toán thì cần lưu ý các điểm sau để đảm bảo quá trình kiểm toán diễn ra được suôn sẻ và hiệu quả:

  • Gửi thư cho kiểm toán viên tiền nhiệm (nếu thuộc trường hợp ii nói trên) để thông báo về việc bổ nhiệm kiểm toán viên mới.
  • Theo hướng dẫn của chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam 510 “Kiểm toán năm đầu tiên - số dư đầu kỳ”, kiểm toán viên được quyền đề nghị được soát xét hồ sơ kiểm toán của kiểm toán viên tiền nhiệm để thu thập bằng chứng liên quan đến số liệu đầu kỳ. Tuy nhiên, việc này có thể không đem lại hiệu quả hoặc không khả thi vì có thể do phí soát xét vượt quá lợi ích đem lại từ việc soát xét hoặc hồ sơ kiểm toán của kiểm toán viên tiền nhiệm cho thấy bằng chứng kiểm toán thu thập được liên quan đến số dư đầu kỳ là không đầy đủ và thích hợp, hoặc có thể vì lý do khác.
  • Kiểm toán viên có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các chứng từ và tài liệu có liên quan đến giao dịch đã phát sinh và các số dư hình thành từ các năm trước để thực hiện các thủ tục kiểm toán phù hợp đối với số đầu kỳ. Ví dụ:
    • Báo cáo tài chính đã được kiểm toán có đính kèm báo cáo kiểm toán, danh sách bút toán điều chỉnh, thư quản lý (nếu có);
    • Thư xác nhận với các ngân hàng, nhà cung cấp, khách hàng, bên cho vay;
    • Chứng từ liên quan đến mua sắm/xây dựng tài sản cố định;
    • Chứng từ liên quan đến mua/bán hàng hóa;
    • Biên bản kiểm kê hàng tồn kho, tài sản cố định, tiền mặt;
    • Các hợp đồng vay;
    • Các hợp đồng thuê;