Kiểm toán độc lập là gì?
Điều 5, Luật kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 trình bày về các khái niệm liên quan như sau:
“1.Kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán.
Cụ thể các loại kiểm toán độc lập như sau:
9. Kiểm toán báo cáo tài chính là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến về tính trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu của báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực kiểm toán.
10. Kiểm toán tuân thủ là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến về việc tuân thủ pháp luật, quy chế, quy định mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện.
11. Kiểm toán hoạt động là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến về tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của một bộ phận hoặc toàn bộ đơn vị được kiểm toán.”
Đối tượng bắt buộc phải được kiểm toán độc lập? Báo cáo hợp nhất và báo cáo tổng hợp có bắt buộc phải kiểm toán?
Điều 15, Nghị định 17/2012/NĐ-CP quy định:
1. Doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm:
a) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
b) Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam;
c) Tổ chức tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
d) Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
2. Các doanh nghiệp, tổ chức khác bắt buộc phải kiểm toán theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Doanh nghiệp, tổ chức phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm:
a) Doanh nghiệp nhà nước, trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;
b) Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước, trừ các dự án trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo quyết toán dự án hoàn thành;
c) Doanh nghiệp, tổ chức mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;
d) Doanh nghiệp mà các tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;
đ) Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm.
4. Các doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng phải kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này nếu theo quy định của pháp luật phải lập báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính tổng hợp thì phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính tổng hợp.
5. Việc kiểm toán báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đối với doanh nghiệp, tổ chức quy định tại các Điểm a và b Khoản 2 Điều này không thay thế cho việc kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
6. Doanh nghiệp, tổ chức khác tự nguyện được kiểm toán.
Kiểm toán độc lập có thể đem lại những lợi ích gì?
Đối với doanh nghiệp được kiểm toán độc lập:
Bên cạnh bảo đảm tính tuân thủ (đối với các đối tượng bắt buộc phải kiểm toán độc lập như trình bày ở trên), việc sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập còn đem lại các lợi ích quan trọng khác cho doanh nghiệp như sau:
- Các báo cáo được gửi đi, nếu được kiểm toán độc lập, sẽ là một trong những công cụ hiệu quả trong việc tạo được sự tin cậy cao từ các ngân hàng, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư, và đối tác kinh doanh về tính minh bạch của số liệu và hiệu quả của hoạt động trị doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong các giao dịch kinh tế và đàm phán kinh doanh. Những doanh nghiệp thực hiện kiểm toán độc lập hàng năm trong nhiều năm thường sẽ có độ tin cậy cao hơn các doanh nghiệp chỉ thực hiện kiểm toán khi được bên nào đó yêu cầu.
- Dưới góc độ quản trị rủi ro, kiểm toán độc lập có thể được sử dụng như là một hàng rào bảo vệ của hệ thống quản trị rủi ro của doanh nghiệp, giúp góp phần giảm thiểu các rủi ro trọng yếu cho doanh nghiệp xuống mức chấp nhận được.
- Dưới góc độ điều hành doanh nghiệp, việc hệ thống sổ sách kế toán và thuế được kiểm tra định kỳ hàng năm bởi một bên độc lập sẽ giúp củng cố và cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ phận kế toán và thuế của doanh nghiệp. Kinh nghiệm làm việc nhiều doanh nghiệp khác nhau và ngành nghề khác nhau của kiểm toán độc lập sẽ giúp doanh nghiệp hoàn thiện những thiếu sót của mình, cũng như có được những góc nhìn và quan điểm mới liên quan.
Đối với những bên sử dụng báo cáo đã được kiểm toán:
- Báo cáo đã được kiểm toán độc lập sẽ giúp những bên liên quan có được mức độ tin cậy cao hơn về các dữ liệu và thông tin liên quan, do đó cảm thấy dễ dàng hơn trong việc đưa ra các quyết định.
Đối với nền kinh tế nói chung:
- Kiểm toán độc lập giúp nâng cao mức độ tin cậy và minh bạch của thông tin và dữ liệu của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tốc độ và số lượng giao dịch được thực hiện trong nền kinh tế. Nếu không có hoạt động kiểm toán độc lập hoặc chất lượng kiểm toán độc lập không được đảm bảo thì rủi ro xẩy các sai sót và gian lận trọng yếu trong các giao dịch kinh tế sẽ ở mức rất cao và niềm tin của các nhà đầu tư và thị trường sẽ ở mức rất thấp, do đó sẽ gây ra nhiều tổn thất cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung.
- Dưới góc độ vĩ mô, kiểm toán độc lập, với vai trò đưa ra ý kiến độc lập và các khuyến nghị liên quan, cũng góp phần tạo thêm sức ép cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế ngày càng hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp tổng thể và hệ thống quản trị rủi ro nói riêng, theo đó đem lại nhiều lợi ích hơn cho các bên liên quan và thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế.