Hướng dẫn chuyển đổi báo cáo tài chính (BCTC) từ Chuẩn mực Kế toán Việt Nam sang Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS)

25/12/2021

Mục đích của việc này là:

(1) giúp hợp nhất báo cáo tài chính của công ty mẹ theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) trong khi công ty con vẫn đang áp dụng Chuẩn mực Kế toán Việt Nam.

(2) giúp doanh nghiệp sẵn sàng về số liệu đầu kỳ khi đang dần áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS). Xem “Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam” tại đây

Dưới đây là các bước công việc cần thực hiện để chuyển đổi BCTC sang IFRS:

Công việc 1: So sánh và xác định các khác biệt giữa Chuẩn mực Kế toán Việt Nam và Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) và lập kế hoạch cho việc chuyển đổi.

Doanh nghiệp cần hiểu rõ những điểm khác biệt để từ đó xác định những khác biệt đó ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến BCTC của mình nếu được chuyển đổi sang Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS), những khác biệt nào sẽ được áp dụng và những cái nào không cần áp dụng vì không phù hợp.

Việc này sẽ giúp doanh nghiệp lên kế hoạch thực hiện chi tiết cho các bộ phận liên quan trong việc thu thập và xử lý dữ liệu cho mục đích chuyển đổi BCTC.

Tham khảo mô tả những khác biệt giữa 2 chuẩn mực tại đây

Công việc 2: Xây dựng mẫu Báo cáo tài chính (BCTC) theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp.

BCTC theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) nếu đầy đủ toàn bộ các khoản mục và yêu cầu thì sẽ rất nhiều và dài, tuy nhiên, doanh nghiệp có thể được lược bỏ bớt đi những nội dung không phù hợp với quy mô hoạt động, loại hình kinh doanh, giai đoạn phát triển, loại giao dịch kinh tế phát sinh,.. và vẫn bảo đảm được tính tuân thủ.

Để thực hiện bước này, doanh nghiệp cần:

  • Xem xét kỹ các chuẩn mực liên quan đến trình bày và công bố thông tin của Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS). Xem tham khảo tại đây
  • Đối với doanh nghiệp chuyển đổi BCTC là để cho lần đầu áp dụng IFRS thì phải xem thêm IFRS 1 để có hướng dẫn cụ thể
  • Tham khảo BCTC theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) của các doanh nghiệp cùng ngành nghề (tìm kiếm trên mạng)
  • Sử dụng bảng kiểm tra các nội dung cần trình bày và công bố trên BCTC (IFRS checklist). Liên hệ với Crowe Việt Nam để có bản cập nhật nhất.

Công việc 3: Xây dựng hệ thống tài khoản chi tiết để phục vụ cho việc lập BCTC theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS).

Trên cơ sở mẫu BCTC đã được xác định ở trên, doanh nghiệp sẽ xây dựng hệ thống tài khoản chi tiết tương ứng và gán (code) chúng với mã số của từng khoản mục ở trên BCTC để dễ dàng tổng hợp số liệu từ các tài khoản chi tiết.

Việc này thường là thực hiện trên file Excel, một số trường hợp có thực hiện trên phần mềm kế toán nếu có các chức năng hỗ trợ tương ứng.

Công việc 4: Xác định các bút toán để chuyển đổi số liệu từ hệ thống tài khoản theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam sang hệ thống tài khoản theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS)

Việc chuyển đổi số liệu yêu cầu phải thực hiện các điều chỉnh hồi tố để xác định số liệu đầu kỳ theo IFRS. Đối với năm đầu tiên chuyển đổi sang IFRS, cần tham khảo chuẩn mực IFRS 1 để có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.

Các bút toán chuyển đổi số liệu sẽ gồm 2 loại sau:

  • Bút toán mang tính phân loại lại số dư:  Ban đầu số dư trên hệ thống tài khoản IFRS được chuyển ngang tạm thời từ hệ thống tài khoản VAS, vì vậy, ban đầu nó có thể sẽ không phù hợp với nội hàm của tài khoản đó. Sau đó, những tài khoản nào có sự không phù hợp sẽ cần phải được phân loại một phần/ hoặc toàn bộ số dư sang (các) tài khoản phù hợp khác. Bút toán loại này sẽ không làm ảnh hưởng đến tổng giá trị tài sản, công nợ, doanh thu, chi phí vì chúng chỉ là phân loại nội bộ giữa các khoản mục thôi.
  • Bút toán mang tính điều chỉnh: Những tài khoản nào mà số dư có khác biệt do tiêu chí ghi nhận, cách thức đo lường và đánh giá giá trị giữa 2 loại chuẩn mực thì cần phải có bút toán điều chỉnh tương ứng. Thông thường để thực hiện các bút toán điều chỉnh loại này, doanh nghiệp phải áp dụng các công thức tính toán phù hợp, và cơ sở dữ liệu phù hợp theo hướng dẫn cụ thể của từng chuẩn mực liên quan. Bút toán loại này sẽ làm ảnh hưởng tăng/giảm đến tổng giá trị tài sản, công nợ, doanh thu, chi phí,…

Ngoài ra, doanh nghiệp dần thu thập và chuẩn bị các thông tin và dữ liệu cần thiết cho các thuyết minh chi tiết trên BCTC. Mọi bút toán điều chỉnh và trình bày thông tin trên BCTC đều cần phải dựa trên các chứng từ và tài liệu giải trình đầy đủ và thuyết phục.

Việc thu thập và chuẩn bị các dữ liệu để xác định các bút toán chuyển đổi sẽ tốn nhiều thời gian và công sức, vì vậy, các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch xử lý sớm và chi tiết phù hợp với quy mô và cơ cấu tổ chức của mình để bảo đảm các bộ phận liên quan phối hợp hiệu quả và kịp thời hạn.

Xem thêm mục “Mô tả tổng quan và hệ thống về IFRS” tại đây

Công việc 5: Lên số liệu trên BCTC và hoàn thiện các thuyết minh tương ứng

Sau khi hoàn thành số liệu của hệ thống tài khoản theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS), doanh nghiệp sẽ tổng hợp lại để lên số liệu cho từng khoản mục trên BCTC theo như mẫu báo cáo đã được xây dựng trước đó (thường là sử dụng file Excel và các lệnh gán dữ liệu)

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải hoàn thiện việc trình bày và công bố các thông tin chi tiết trong các thuyết minh của BCTC.

Đối với năm đầu tiên chuyển đổi sang IFRS, cần tham khảo chuẩn mực IFRS 1 để có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.

Công việc 6: Rà soát và kiểm tra lại tổng thể tính hợp lý của số liệu, cũng như tính tuân thủ về trình bày và công bố thông tin trên BCTC à Hoàn tất.

  • Thực hiện các đối chiếu tổng thể số liệu trên BCTC được lập theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) với BCTC được lập theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) để bảo đảm mọi chênh lệch được giải thích hợp lý.
  • Rà soát lại toàn bộ các nội dung trình bày và công bố thông tin theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) để bảo đảm chúng đã được thực hiện đầy đủ và phù hợp.
Tại Crowe Vietnam, chúng tôi cung cấp các dịch vụ liên quan đến Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS), vui lòng tìm hiểu chi tiết phía dưới