Lộ trình áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) tại Việt Nam và những vấn đề cần lưu ý

25/12/2021

1. Lộ trình áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) tại Việt Nam

2019 – 2021

Giai đoạn chuẩn bị

Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cần thiết như:

- Công bố bản dịch Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) ra tiếng Việt (xem bản dịch TẠI ĐÂY)

- Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS)

- Xây dựng cơ chế tài chính liên quan

- Đào tạo nguồn nhân lực, quy trình triển khai cho các doanh nghiệp

2022 – 2025

Giai đoạn tự nguyện

- Các doanh nghiệp sau có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) để lập báo cáo tài chính hợp nhất:

+ Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế;

+ Công ty mẹ là công ty niêm yết;

+ Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết;

+ Các công ty mẹ khác.

- Các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế IFRS để lập báo cáo tài chính riêng.

Sau 2025

Giai đoạn bắt buộc

- Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụngChuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất cho từng nhóm doanh nghiệp thuộc các đối tượng cụ thể sau:

+ Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước;

+ Công ty mẹ là công ty niêm yết;

+ Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết;

+ Công ty mẹ quy mô lớn khác.

- Các công ty khác không thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng nêu trên có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) để lập báo cáo tài chính hợp nhất hay báo cáo riêng

(Nguồn: Quyết định 345/QĐ-BTC)

2. Những vấn đề Doanh Nghiệp cần lưu ý khi có kế hoạch áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS).

2.1 Cân nhắc những lợi ích, chi phí và thay đổi khi áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS)

Những lợi ích của việc áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS):

  • Chất lượng của báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt, theo đó thông tin trên BCTC có mức độ đầy đủ và phù hợp cao hơn nhiều so với các chuẩn mực hiện nay. Điều này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp xây dựng được uy tín trên thị trường, cũng như cải thiện hiệu quả quản trị và hiệu quả kinh doanh.
  • Doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong các giao dịch quốc tế vì đối tác nước ngoài có thể dễ dàng đọc hiểu các thông tin trên BCTC của doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ giảm bớt chi phí cho việc chuyển đổi BCTC được lập theo VAS sang Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) để hợp nhất với công ty mẹ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trước khi quyết định áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) doanh nghiệp cần phải cân nhắc:

a. Vấn đề chi phí và lợi ích: Để chuyển đổi và vận hành bộ máy kế toán và lập BCTC theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS), doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận đầu tư đáng kể (chi phí, thời gian, công sức) cho việc nâng cấp / chỉnh sửa các cấu phần liên quan như: trình độ chuyên môn của nhân sự, hệ thống thông tin kế toán, chính sách kế toán, cơ sở dữ liệu, quy trình chuyển đổi dữ liệu, hợp đồng kinh tế với các đối tác. Chi phí này sẽ phụ thuộc vào năng lực hiện tại của doanh nghiệp, năng lực càng cách xa với mức tối thiểu cần thiết thì chi phí sẽ càng tăng cao hơn. Doanh nghiệp cần ước tính được các chi phí này và so sánh với các lợi ích thu được trước khi quyết định.  

b. Và những thay đổi trọng yếu sau:

  • Cơ sở tính thuế sẽ có sự chênh lệch với cơ quan thuế. Khi áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS), một số giao dịch được hạch toán và phản ánh trên BCTC theo các phương pháp khác nhau mà không phải là phương pháp giá gốc. Điều này dẫn đến sự chênh lệch giữa số liệu hạch toán theo kế toán và cơ sở tính thuế của cơ quan thuế (theo giá gốc). Điều này sẽ tạo ra những khó khăn nhất định trong việc duy trì song song sổ sách kế toán hạch toán theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) và sổ phụ kế toán để theo dõi cơ sở tính thuế cũng như theo dõi các khoản thuế hoãn lại phát sinh do chênh lệch giữa thuế và kế toán.
  • Những điều khoản trên các hợp đồng kinh tế sẽ có thể phải thay đổi cho phù hợp với Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS). Theo đó, bộ phận kế toán và bộ phận pháp chế cần phối hợp trang bị kiến thức liên quan đến quyền và nghĩa vụ pháp lý của hợp đồng và các quy định liên quan tại Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS), từ đó xác định đúng và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ tài chính phát sinh để làm cơ sở cho việc hạch toán kế toán.
  • Doanh nghiệp cần phải sẵn sàng cho việc tuân thủ các yêu cầu về cung cấp thông tin đầy đủ và chi tiết theo yêu cầu của Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS). Lượng thông tin mà Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) yêu cầu phải phản ánh và thuyết minh nhiều hơn khá nhiều so với Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, do đó, bộ phận kế toán cần phối hợp chặt chẽ với các bộ phận khác trong doanh nghiệp để thu thập đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Ví dụ như:
    • Chuẩn mực IFRS 15 – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng, yêu cầu áp dụng mô hình ghi nhận doanh thu toàn diện, đòi hỏi bộ phận kế toán cần am hiểu rất rõ các điều khoản về cung cấp hàng hóa và dịch vụ trong hợp đồng doanh thu, từ đó trao đổi và phối hợp với các phòng ban liên quan (phòng kinh doanh, phòng giao nhận, phòng bảo trì…) để thu thập đầy đủ thông tin phục vụ cho việc hạch toán kế toán cũng như có những sửa đổi cần thiết trong hợp đồng nếu cần thiết.
    • Chuẩn mực IAS 19 – Phúc lợi cho người lao động, yêu cầu phản ánh đúng và đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh đối với người lao động, đòi hỏi bộ phận kế toán cần am hiểu về các chính sách phúc lợi được áp dụng cho người lao động, từ đó phối hợp với phòng nhân sự để thu thập đầy đủ các thông tin phục vụ cho việc hạch toán kế toán.

2.2 Xác định kỳ báo cáo đầu tiên theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) để xây dựng lộ trình công bố thông tin tương ứng.

Khi đã quyết định là sẽ áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS), việc tiếp theo doanh nghiệp cần làm là xác định năm lần đầu áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) vì nó sẽ liên quan đến yêu cầu phải công bố thông tin ở các năm trước đó (Xem thêm IFRS 1).

Ví dụ: Nếu xác định năm 2026 là kỳ báo cáo theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) đầu tiên thì lộ trình công bố thông tin sẽ như sau:

2023:

  • Trình bày trên BCTC dự kiến các ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi sang Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) đến BCTC

2024:

  • Trình bày trên BCTC dự kiến và đánh giá mức độ ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi sang Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) đến BCTC

2025:

  • Trình bày số liệu đầu kỳ của Bảng Cân đối Kế toán tại ngày chuyển đổi (ngày 01/01/2025*)
  • Trình bày dữ liệu so sánh cho toàn bộ năm tài chính (năm 2025)
  • Trình bày các “Thuyết minh BCTC” cho năm tài chính thực hiện chuyển đổi, tuân thủ yêu cầu của IFRS1 – Lần đầu áp dụng IFRS

2026:

  • Kỳ báo cáo đầu tiên Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS)

2.3 Nếu quyết định áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS), doanh nghiệp cần dần chuẩn bị những nội dung sau:

Đầu tiên, doanh nghiệp cần rà soát và xác định những khoảng cách (gap) giữa Chuẩn mực Kế toán Việt Nam và Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) trên thực tế của chính doanh nghiệp của mình để có những kế hoạch chuẩn bị phù hợp và hiệu quả nhất (Xem so sánh sự khác nhau giữa Chuẩn mực Kế toán Việt Nam và Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) tại đây.

Tùy thuộc vào quy mô hoạt động, ngành nghề kinh tế, giai đoạn phát triển mà khoảng cách này sẽ khác nhau giữa các doanh nghiệp, theo đó, mức độ đầu tư (về chi phí, thời gian, nhân lực, vật lực) phục vụ cho việc áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) cần phù hợp tương ứng để bảo đảm tính hiệu quả thay vì đầu tư dàn trải.

Tuy nhiên, nhìn chung sẽ gồm những nội dung nổi bật như sau:

  • Xây dựng quy trình chuyển đổi dữ liệu từ Chuẩn mực Kế toán Việt Nam sang Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) tuân thủ theo Chuẩn mực IFRS 1 – Lần đầu áp dụng IFRS. Chuẩn mực này được ban hành để áp dụng cho các đơn vị lập báo cáo tài chính theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) lần đầu tiên. Theo đó, các Doanh nghiệp Việt Nam sẽ áp dụng các hướng dẫn tại chuẩn mực này để chuyển đổi báo cáo tài chính lần đầu sang Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) theo kế hoạch của Bộ Tài chính. Việc chuyển đổi dữ liệu cần phải có quy trình từng bước thực hiện và cần phải có thời gian đủ dài để chuẩn bị các nội dung liên quan, và doanh nghiệp nên thuê các chuyên gia về Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) để họ giúp tư vấn thực hiện nội dung này một cách chính xác và hiệu quả nhất để bảo đảm doanh nghiệp làm đúng ngay từ bước đầu tiên.

Xem thêm chuẩn mực này tại đây

Xem hướng dẫn các bước chuyển đổi BCTC từ Chuẩn mực Kế toán Việt Nam sang Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) tại đây

  • Cải thiện hiểu biết về Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) và tài chính cho các nhân sự liên quan: cần thực hiện đào tạo cho các nhân sự liên quan chứ không chỉ là nhân viên bộ phận kế toán, bao gồm Ban giám đốc và các cán bộ quản lý chủ chốt để bảo đảm họ có sự phối hợp tốt với bộ phận kế toán khi được yêu cầu cung cấp hay giải trình các thông tin và dữ liệu liên quan. Doanh nghiệp cần yêu cầu nhân viên tham gia các khóa học về Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) và cách thức vận dụng trên thực tế.

Để có cái nhìn tổng thể và hệ thống về các Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS), vui lòng xem tại đây.

  • Tổ chức lại và nâng cấp hệ thống thông tin kế toán: Việc lập BCTC theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) sẽ rất khác về nhiều mặt (về ghi nhận, đo lường giá trị, trình bày và công bố thông tin). Do dó, doanh nghiệp cần thực hiện rà soát và thực hiện những thay đổi (nếu cần thiết) đối với các nội dung sau của hệ thống thông tin kế toán để bảo đảm tính phù hợp và ổn định khi chính thức áp dụng IFRS:
    • Xây dựng mới hệ thống tài khoản và quy trình lập BCTC phù hợp với Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS)
    • Sắp xếp lại quy trình xử lý và tập hợp dữ liệu từ tất cả các bộ phận liên quan, cũng như xác lập rõ ràng trách nhiệm liên quan của các bộ phận đó trong việc phối hợp với bộ phận kế toán
    • Tổ chức lại bộ máy nhân sự kế toán-tài chính để bảo đảm các vị trí công việc phù hợp với yêu cầu mới
    • Nâng cấp phần mềm kế toán và quản trị doanh nghiệp (ERP) sao cho phù hợp với yêu cầu cao hơn của Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS).
    • Nâng cấp cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc đo lường và xác định giá trị các khoản mục trên BCTC theo hướng dẫn của Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS).

Tuy nhiên, những thay đổi trên cần phải thực hiện một cách có trình tự ưu tiên và vừa đủ thay vì tiêu tốn nhiều nguồn lực hơn mức cần thiết. Theo đó, doanh nghiệp nên có những chuyên gia về Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) hỗ trợ và tư vấn nội dung này để bảo đảm tính hiệu quả.

  • Điều chỉnh các điều khoản trong hợp đồng kinh tế với các đối tác: Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) có những yêu cầu rất khắt khe trong việc xác định trách nhiệm chuyển giao hàng hóa hay hoàn thành dich vụ. Do đó, doanh nghiệp cần rà soát lại các hợp đồng kinh tế với nhà cung cấp và khách hàng của mình và đối chiếu với chuẩn mực liên quan đến hợp đồng của Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) để thực hiện các điều chỉnh phù hợp. Việc này nên có sự tư vấn của các chuyên gia về Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) và luật sư để bảo đảm sự chính xác và phù hợp ngay từ đầu.  
  • Dự trù trước các ảnh hưởng tiêu cực (nếu có) đến các chỉ số tài chính khi BCTC được chuyển đối sang IFRS đế sớm có những kế hoạch phản ứng phù hợp. Ví dụ: tài sản bị suy giảm giá trị do bị đánh giá lại theo giá trị hợp lý, chỉ số thanh toán không bảm đảm, doanh thu suy giảm khi ghi nhận theo chính sách kế toán mới,…
Tại Crowe Vietnam, chúng tôi cung cấp các dịch vụ liên quan đến Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS), vui lòng tìm hiểu chi tiết phía dưới