Mô tả tổng quan và hệ thống về chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS)

25/12/2021

Tổng quan về chuẩn mực kế toán (các nội dung cốt lõi)

Như mọi người đều nhận thấy là có rất nhiều chuẩn mực kế toán, chúng trình bày rất nhiều nội dung và có vẻ có nhiều nội dung chồng chéo lên nhau. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng quan, chúng ta có thể nhận thấy các chuẩn mực chỉ xoay quanh một số nội dung cốt lõi sau mà thôi:

  1. Các tiêu chí để được ghi nhận lên Báo cáo Tài chính (BCTC): Để được ghi nhận là tài sản, nợ, vốn chủ, doanh thu, chi phí đều phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, nếu không thì sẽ không được ghi nhận ở trên BCTC. Ví dụ: nếu sở hữu mảnh đất có trữ lượng dầu mỏ mà không thể khai thác được thì khoản dầu đó không được ghi nhận là tài sản.
  2. Tiêu chí để phân loại vào các khoản mục cụ thể trên BCTC: Sau khi được ghi nhận trên BCTC rồi, nhưng để được phân loại vào khoản mục cụ thể nào trên BCTC là bước tiếp theo cần phải được xác định. Ví dụ: đều là tài sản, nhưng thuộc mục hàng tồn kho hay tài sản cố định?
  3. Xác định giá trị khi ghi nhận ban đầu: Giá trị để phản ánh khi lần đầu tiên được ghi nhận là theo giá trị tại thời điểm thực hiện giao dịch hay tại thời điểm được phản ánh? Ở các kỳ kế toán tiếp theo, thì giá trị đó giữ nguyên hay cần thay đổi?
  4. Xác định giá trị sau đó (sau khi ghi nhận ban đầu): Sau khi  được ghi nhận ban đầu rồi, thì tiếp tục giữ nguyên giá trị đó hay phải bị điều chỉnh theo giá trị hợp lý tại mỗi thời điểm khác nhau?
  5. Trình bày và công bố thông tin trên BCTC: Cần phải trình bày và công bố những thông tin nào liên quan đến số liệu? BCTC không chỉ đơn giản là phản ánh các con số mà cần phải có những thông tin liên quan để giải trình cho số liệu đó, cũng như phải được trình bày làm sao đáp ứng các tiêu chí cụ thể để người sử dụng BCTC cảm thấy đầy đủ và rõ ràng.

Nếu ai đó nghĩ rằng kế toán đơn giản là hoạt động sao chép lại các con số đơn thuần từ chứng từ lên sổ sách kế toán và báo cáo tài chính thì là hoàn toàn sai lầm, mà nó phải trải qua một loạt các xét đoán và cân nhắc chuyên môn như 5 nội dung ở trên thì mới có thể đạt yêu cầu là đem lại thông tin hữu ích và phù hợp cho người sử dụng BCTC. 

Vì chuẩn mực chỉ xoay quanh các nội dung ở trên, nên khi đọc bất kỳ chuẩn mực nào, người đọc chỉ cần luôn xác định rõ là chuẩn mực đó đề cập đến (những) nội dung nào trong số các nội dung ở trên là sẽ cảm thấy dễ dàng hơn để áp dụng chúng.

 

Hệ thống hóa các chuẩn mực kế toán

Tại sao chỉ có 5 nội dung cốt lõi trên thôi mà lại có cần có nhiều chuẩn mực như vậy?

Để đáp ứng yêu cầu của người sử dụng BCTC trong nhiều ngành nghề và hoàn cảnh khác nhau, chuẩn mực phải trình bày nhiều khoản mục và nội dung cần thiết. Mỗi khoản mục và nội dung có những đặc điểm riêng và chúng thay đổi trong những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, do đó, hệ thống chuẩn mực phải được thiết kế để phù hợp với sự đa dạng đó. Tuy nhiên, để hệ thống hóa lại, các chuẩn mực có thể được nhóm các thành các nhóm sau:

Nhóm 1: Chuẩn mực nền tảng, cung cấp các nguyên tắc xử lý chung cho toàn bộ các chuẩn mực khác 

Nhóm 2: Những chuẩn mực chỉ chuyên về một nội dung cốt lõi nào đó nhưng có ảnh hưởng rộng đến nhiều khoản mục trên BCTC

Nhóm 3: Những chuẩn mực về nhiều nội dung cốt lỗi nhưng chỉ dành riêng cho từng khoản mục cụ thể trên BCTC

Nhóm 4:  Những chuẩn mực có nội dung dành riêng cho việc trình bày và công bố thông tin trên BCTC

Để hiểu rõ hơn về các nhóm chuẩn mực ở trên, hãy xem tại đây

Để xem toàn bộ các Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS), hãy xem tại đây.

Tại Crowe Vietnam, chúng tôi cung cấp các dịch vụ liên quan đến Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS), vui lòng tìm hiểu chi tiết phía dưới